Kết cấu và chức năng của các khoang trên tàu Tàu_khu_trục_trực_thăng_lớp_Hyuga

Một trực thăng chống ngầm SH-60J đang được vận chuyển lên đường băng.Các thủy thủ tàu JDS Hyuga (DDG 181) diễn tập cấp cứu người bị thương.

Tàu lớp Hyuga có kết cấu khoang đáy khá lớn, được chia làm nhiều khoang, trên tàu có 2 thang máy chính, trong đó thang máy ở đuôi đủ lớn để vận chuyển trực thăng lên xuống đường băng. Ngoài ra còn có 2 thang máy nâng vũ khí. Vỏ tàu có kết cấu 2 lớp chú trọng tính năng tàng hình, đài quan sát và cột anten đều thiết kế kiểu bịt kín, ống khói được bố trí phía sau, một phần kết cấu sử dụng vật liệu hấp thụ sóng, giảm thiểu một cách hiệu quả toàn bộ diện tích phản xạ rađa và tín hiệu hồng ngoại. Đồng thời, tàu có thiết bị đệm giảm rung chấn động cơ, khiến tiếng ồn và độ rung của thân tàu trong nước giảm đáng kể. Mặt boong phía trên là khu vực phóng máy bay với diện tích khoảng 6.400 m2, được bố trí 4 vị trí cho 4 máy bay trực thăng có thể hoạt động đồng thời. Khoang chứa máy bay có thể chứa 11 trực thăng săn ngầm SH-60K và trực thăng quét mìn MCH-101. Ngoài ra, trong khoang tàu là một kho kho hậu cần kỹ thuật với đầy đủ các trang thiết bị bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, phụ tùng, nhiên liệu dự trữ và các loại vũ khí chống ngầm và chống hạm dùng cho máy bay trực thăng.

Tàu Hyuga còn được trang bị các loại hỗ trợ đặc chủng được thiết kế một cách chuyên biệt chỉ để phù hợp với các nhiệm vụ trên các tàu sân bay, nhiều loại xe đặc chủng này hoàn toàn không được nhìn thấy ở sử dụng ở dưới mặt đất. Các loại xe ô-tô "mui trần" cỡ nhỏ có động cơ cực khỏe chuyên làm nhiệm vụ kéo máy bay di chuyển trên đường băng. Các sân bay dưới mặt đất cũng sử dụng loại xe tương tự như thế này nhưng những chiếc xe dưới mặt đất không thể đa năng và làm được nhiều nhiệm vụ như những chiếc xe kéo trên tàu Hyuga. Do lượng phương tiện hỗ trợ trên tàu có hạn vì không có nhiều chỗ chứa, những chiếc xe kéo này phải kiêm nhiệm khá nhiều nhiệm vụ, từ kéo máy bay, kéo vũ khí, chở người cho đến chở hàng chúng đều có thể đảm nhận được. Xe vệ sinh đường băng được dùng để làm sạch đường băng, đảm bảo không có bất cứ một mảnh vụn kim loại nào trên đường băng có thể ảnh hưởng tới hoạt động cất-hạ cánh của những chiếc máy bay trên tàu. Phía dưới các khoang hàng của Hyuga còn có các loại xe nâng, xe kéo, xe cẩu chuyên dụng để bốc, xếp hàng hóa trong kho và đặc biệt là xe cứu hoả là thành phần không thể thiếu trên tàu.

Khoang sinh hoạt gồm phòng ở, phòng hội họp dành cho sĩ quan chỉ huy cùng thủy thủ được bố trí ở phía trước tàu. Thiết kế của tàu lớp Hyuga cũng rất chú trọng đến chất lượng sinh hoạt của thủy thủ đoàn trên tàu. Phòng ở module hóa trên tàu có thiết kế các loại khác nhau gồm phòng 1 người, 2 người, 4 người, 6 người tùy theo cấp bậc, không gian sinh hoạt được quy hoạch sắp xết rất chi tiết. Các khoang của thủy thủ đoàn có thể so sánh được với các khoang hành khách của các tàu du lịch về mức độ thoải mái. Trong khu vực phòng ở của thủy thủ đoàn có các gường tầng nhỏ được lắp thành các block có 6 gường, các block được ngăn bằng các vách ngăn mỏng. Lớp sàn của tàu được thiết kế không gian thân thiện với thủy thủ đoàn, cách sắp xếp ngăn nắp và không gian làm việc rộng mở cho phép việc đi lại dễ dàng từ đầu tàu tới cuối tàu. Lối đi được thiết kế chống trượt, rộng rãi, trang bị các đèn LED chiếu sáng thấp dùng cho các hoạt động về đêm, và bố trí cẩn thận, hợp lý các thanh cầm tay. Thuyền viên có thể đi lại trên tàu một cách an toàn dù là ngày hay đêm, thậm chí trong cả điều kiện thời tiết bất lợi.

Các nhà thiết kế cũng lắp đặt trên tàu một thư viện nhỏ với hàng nghìn đầu sách khác nhau, ngoài giờ trực chiến các thủy thủ đoàn và sĩ quan có thể đến đây tham khảo, bổ sung kiến thức cho mình hoặc đơn giản chỉ là thú vui đọc sách giết thời gian vì thực tế cuộc sống trên tàu rất tẻ nhạt, không có nhiều phương tiện giải trí. Rất nhiều thủy thủ JMSDF đã tự học trong quá trình công tác trên biển để thi lên các cấp sĩ quan chỉ huy cao hơn, một vài người lại sử dụng khoảng thời gian này cho việc tìm hiểu những kiến thức thuộc các ngành nghề khác để có kỹ năng xin việc sau khi rời quân ngũ.

Không thể thiếu được trên tàu đó là phòng giặt là, thủy thủ đoàn sẽ giặt quần áo theo lịch được xếp trước, tránh tình trạng lộn xộn, gây lẫn lộn quân trang. Ngoài quân phục bao gồm áo ngoài, quần ngoài và đồ lót, các thủy thủ được phép mang theo và sử dụng trên tàu các loại áo phông và quần cộc tối màu. Phòng phơi đồ ngay cạnh phòng giặt, vì không có ánh nắng chiếu vào phòng này nên phòng được lắp đặt hệ thống hút ẩm bằng quạt gió và đèn công suất cao để hong khô quần áo. Các máy bán hàng tự động cũng được lắp đặt với rất nhiều đồ ăn vặt và mì hộp các loại để phục vụ nhu cầu của các thủy thủ. Những đồ ăn vặt và đồ hộp này có hạn sử dụng khá lâu nên được dự trữ với số lượng lớn trên tàu, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của binh lính trong các cuộc hành quân dài ngày trên biển. Trên tàu còn có hệ thống máy tính để bàn để phục vụ cho việc giải trí của các thủy thủ. Do đa phần đều là thủy thủ trẻ tuổi nên các máy tính ở đây dù không có mạng internet để sử dụng nhưng lúc nào cũng có sẵn khá nhiều game cho thủy thủ giải trí bằng hệ thống mạng nội bộ.

Phòng tập đa năng với nhiều loại máy tập hiện đại giúp thủy thủ đỡ "cuồng chân cuồng tay" khi phải sinh hoạt và làm việc trong một không gian chật trội suốt thời gian dài. Các máy chạy bộ luôn hoạt động hết công suất để phục vụ cho nhu cầu giải phóng năng lượng của các thủy thủ. Ngoài ra còn có các máy tập đạp xe, tạ nâng các loại, xà đơn và xà kép,v..v... để các thủy thủ nâng cao sức khỏe cũng như rèn luyện thể lực cho bản thân.

Phòng thông tin của tàu với nhân viên trực ban có nhiệm vụ đọc các thông tin về tình hình chính trị, xã hội của Nhật Bản cũng như của thế giới hàng ngày cho binh sĩ. Do đặc tính tách biệt hoàn toàn với đất liền để đảm bảo bí mật vị trí tàu nên các bản tin cập nhật thông tin rất được chú trọng để binh lính có thể cập nhật được tin tức từ trong đất liền sớm nhất có thể. Phòng bếp trên tàu có dự trữ khá nhiều đồ ăn đông lạnh, từ thịt cho tới rau củ quả. Nhà bếp hoạt động 24/7 để phục vụ cho 2 ca làm việc kéo dài 12 tiếng mỗi ngày, các thủy thủ sẽ có đồ ăn nóng phục vụ bất cứ lúc nào họ muốn. Phòng ăn cũng như đồ ăn của sĩ quan được chuẩn bị riêng. Khẩu phần ăn của thủy thủ Nhật Bản thường mang đậm chất truyền thống và cá là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn của người Nhật nói chung và binh sĩ JMSDF nói riêng.

Về khả năng đảm bảo hậu cần, trên tàu cũng được trang bị một cơ sở y tế tương đương với một bệnh viện dã chiến cấp sư đoàn hoặc quân đoàn, hoặc bệnh viện đa khoa của một thành phố 250.000 dân, đồng bộ cả nha khoa, chẩn đoán, chuyên gia phẫu thuật và các khả năng y tế, vệ sinh thực phẩm và các khả năng tâm lý học. Một hệ thống điều khiển y học từ xa dựa trên hệ thống vệ tinh cho phép thực hiện các phẫu thuật chuyên ngành phức tạp.

Cơ sơ y tế này có diện tích 900 m2 cung cấp 20 phòng và 69 giường bệnh, trong đó 7 phòng để chăm sóc đặc biệt. Có hai phòng mổ với đầy đủ phòng chụp X quang và siêu âm số, và nó có thể được gắn với một máy quét CT điều khiển từ xa. Kho thuốc trên tàu có đủ số lượng thuốc cho nhiều loại bệnh khác nhau từ cảm cúm, sốt cho tới các loại kháng sinh liều cao, thuốc giảm đau, thuốc an thần. Đặc biệt các kho thuốc trên các tàu chiến của JMSDF thường có lượng dự trữ thuốc giảm đau dạng gây nghiện như Morphin rất cao, đề phòng trường hợp các thủy thủ bị thương nặng trong khi giao tranh. Trong trường hợp khẩn cấp, 50 giường bệnh có thể được lắp đặt nhanh chóng ngay trong khoang chứa máy bay trực thăng để tăng cường năng lực của bệnh viện.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu Hyuga trong trường hợp tàu bị hỏa hoạn, các tàu lớp Hyuga còn được lắp đặt các hệ thống phụt rửa đường băng kiêm luôn hệ thống dập lửa tự động trong trường hợp khẩn cấp.

  • Phòng chỉ huy tác chiến trên hạm (FIC).
  • Phòng họp chính.
  • Lớp phủ đường băng
  • Thang máy nâng vũ khí
  • Thang máy vận chuyển máy bay trực thăng
  • Quang cảnh thang máy nhìn từ nhà chứa máy bay dưới boong
  • Xe cứu hoả chuyên dụng
  • Xe cẩu chuyên dụng